Gia quyến Huệ Phố

Đặng Văn Cát (鄧文洁; 1832-1899), chồng của Huệ Phố nữ sĩ, tự Thiếu Văn, hiệu Mộng Quế, con của Đặng Văn Hòa. Ông Hòa thuộc dòng tộc nhiều đời nổi tiếng thi thư lễ nghĩa tại làng Thanh Lương, xã Bắc Vọng, huyện Quảng Điền (nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên-Huế). Tổ tiên xưa vốn họ Trần, dòng dõi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Ông Hòa đỗ cử nhân khoa Quý Dậu (1813), mất tại chức năm 1856, được truy tặng Văn Minh điện đại học sĩ, thụy Văn Nghị.

Bà Nguyễn Thị Thảo (?-1850), con gái của Nguyễn Quang Lộc, người hạt Gia Định. Ông Lộc trước làm Quản cơ Tả quân, sau thăng Thự phó vệ úy, trật tòng tam phẩm, sung Lãnh binh Hà Tiên, rồi chết trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi khoảng 1833-1835.

Đặng Huy Cát sinh tại Hà Nội. Sau vì vợ cả là Hoàng Thị Quỳnh không ưa, nên hai mẹ con ông về làng Thanh Lương. Ở đó, ông theo học với chú là Đặng Văn Trọng, cha của Đặng Huy Trứ (1825-1874).

Khoa Nhâm Tý (1852), ông đi thi hương, văn bài đều ưu, bình, nhưng vì phạm trường quy nên bị đánh hỏng. Năm sau (1853), ông được chọn làm phò mã, lấy vợ là công chúa Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa.

Năm 1858, thực dân Pháp bắn vào cảng Đà Nẵng, mở màn cuộc xâm lấn lâu dài tại Việt Nam. Phò mã Đặng Huy Cát theo phái chủ chiến.

Trước sự hống hách của trung tướng Pháp tên là Roussel de Courcy, khoảng một giờ sáng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5 tháng 7 năm 1885), Tôn Thất Thuyết ra lệnh cho quân phấn nghĩa tấn công tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá. Cùng lúc đó, Đặng Huy Cát và con là Đặng Hữu Phổ (đứa con duy nhất còn lại của ông Cát và Tĩnh Hòa) đánh vào huyện nha Quảng Điền. Kết cục, ông Thuyết phải phò vua Hàm Nghi xuất bôn, còn cha con họ Đặng đều bị bắt.

Theo Hợp tuyển thơ văn yêu nước (1859-1900)[8], triều đình Đồng Khánh mua chuộc, còn quân Pháp tra tấn hai ông, nhưng trước sau cả hai đều không khai và không chịu khuất phục.

Một phiên tòa do lực lượng thân Pháp của triều đình Huế mở tại Thương Bạc xét xử, Đặng Huy Cát chịu án giảm tram hậu, Đặng Hữu Phổ bị án tử hình. Ngày 20 tháng 7 năm Ất Dậu (29 tháng 8 năm 1885), ông Phổ thụ hình ở bến đò Quai Vạc bên bờ sông Bồ, để lại bài thơ tuyệt mệnh:

Trừ nghịch an dân tín thử thânNhất sinh trung hiếu khuất nhi thânNhư kim chính khí hoàn thiên địaTinh phách thường tùy quân dữ thân.Tạm dịch:Vì dân giết giặc quyết lòng taTrung hiếu trong đời chẳng chút xa.Chính khi nay về cùng trời đất,Hồn thiêng theo mãi với vua, cha.

Phần Phò mã Đặng Huy Cát bị giam vào ngục tối, mãi đến khi Thành Thái lên ngôi, ông mới được xóa án tù (1892). Ông trở về làng Thanh Lương, chiêu mộ dân quân quanh vùng đến chân núi Thất Giới (xã Liễu Cốc, huyện Hương Trà) khai khẩn lập ra ấp Thanh Khê, rồi ở luôn tại đó.

Lấy lý do chống thú dữ, ông cho trai tráng rèn luyện võ nghệ, binh thư, hẳn mong có ngày đánh đuổi ngoại xâm... Ông mất ngày 29 tháng 11 năm Kỷ Hợi (31 tháng 12 năm 1899).